Giỏ hàng của bạn trống!
Xây dựng tư duy tích cực | Safe and Sound
Cuộc sống nhiều áp lực khiến các rối loạn tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc hay trầm cảm ngày càng phổ biến. Vì vậy, xây dựng tư duy tích cực rất quan trọng để chúng ta có một sức khỏe tâm thần tốt và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.
Vi Nguyễn Duy Minh | Chuyên viên - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển
1. Thế nào là tư duy tích cực?
Tư duy về cơ bản là phản ứng cảm xúc của chúng ta với các khía cạnh cuộc sống. Như vậy, tư duy tích cực là nhìn nhận cuộc sống theo hướng tốt đẹp. Tư duy tích cực không phải chỉ tập trung vào mặt sáng của vấn đề. Nếu làm như vậy, chúng ta dễ rơi vào trạng thái “tích cực độc hại” và huyễn hoặc bản thân rằng cuộc sống luôn dễ dàng và tốt đẹp.
Ngược lại, người tư duy tích cực có thể nhìn rõ hai mặt của một vấn đề và thay vì tập trung vào mặt xấu, họ chú ý tới những điểm tốt và giải pháp để vượt qua những tiêu cực hữu hạn và tạm thời.
Hãy tưởng tượng bạn vừa thua trong một trận chung kết bóng bàn. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đa phần sẽ thất vọng, thậm chí là tức giận và tâm lý đó có thể kéo dài hàng tuần. Người tích cực sẽ buồn một chút rồi nhanh chóng xốc lại tinh thần. Họ hài lòng vì bản thân đã nỗ lực và vào tới chung kết. Tuy nhiên, trận thua cũng giúp họ nhận ra những điều mình còn yếu và cần cải thiện, là động lực để họ tiến bộ hơn.
2. Lợi ích của tư duy tích cực
Suy nghĩ tích cực giúp chúng ta đối phó hiệu quả với những tình huống căng thẳng và xây dựng tâm lý vững vàng. Một nghiên cứu từ năm 2004 đến năm 2012 trên 70.000 phụ nữ chỉ ra những người có thói quen thực hành suy nghĩ tích cực có nguy cơ tử vong do một số bệnh thấp hơn đáng kể, bao gồm:
- Bệnh tim mạch
- Đột quỵ
- Ung thư, bao gồm ung thư vú, buồng trứng, phổi và trực tràng
- Nhiễm trùng
- Bệnh đường hô hấp
Ảnh 1: Suy nghĩ tích cực giúp phòng tránh nhiều bệnh
Lý giải cho kết quả này, những người thực hành suy nghĩ tích cực thường gắn liền với việc tập thể dục đều đặn và duy trì lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý. Nói tóm lại, đó là những người có ý thức về sức khỏe tâm thần và thể chất của mình, do đó họ luôn tìm cách để cải thiện chúng.
- Ngoài ra, tư duy tích cực còn giúp:
- Tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống
- Tâm lý vững vàng
- Phục hồi nhanh sau chấn thương và phẫu thuật
- Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm lý và trầm cảm thấp hơn
- Khả năng ứng phó với áp lực và giải quyết vấn đề tốt hơn
3. Xây dựng tư duy tích cực như thế nào?
Tư duy tích cực không phải đặc điểm hay khả năng bẩm sinh. Nó cần được xây dựng và duy trì theo thời gian. Dưới đây là các cách thực hành suy nghĩ tích cực.
3.1. Tập trung vào những điều tốt đẹp
Cuộc sống luôn tồn tại những điều không như ý chúng ta. Nhưng thay vì tập trung vào tác động của chúng, chúng ta có thể nhìn vào nguyên nhân của vấn đề và tìm cách giải quyết nó. Điều này thoạt nghe có vẻ sáo rỗng và không dễ thực hiện. Tuy nhiên, phương pháp này được được chứng minh là hiệu quả trong xây dựng tư duy tích cực.
3.2. Xây dựng lòng biết ơn và ghi chú những điều tích cực
Lòng biết ơn có thể được xây dựng thông qua viết nhật ký. Nó cho chúng ta thời gian nhìn lại và trân trọng ngay cả những điều tiêu cực nhất, vì những bài học thường gắn liền với những trải nghiệm không mấy dễ chịu. Ngoài ra, xây dựng lòng biết ơn còn là cách để nâng cao lòng tự trọng và hoàn thiện nhân cách.
3.3. Dành thời gian bên những người tích cực
Ảnh 2: Hãy ở cạnh người tích cực
Sự tiêu cực và tích cực đã được chứng minh dễ lây lan. Ở gần người tích cực không chỉ có lợi về mặt tâm lý và cảm xúc, mà còn hữu ích nếu chúng ta sẵn sàng mở lòng và học hỏi. Người tích cực thường cởi mở và sẵn sàng chia sẻ nên chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ họ.